Kỹ thuật chăm sóc nấm sò

HƯỚNG DẪN CÁCH CHĂM SÓC TRỒNG NẤM SẠCH TẠI NHÀ

1.CHÚ Ý ĐẦU TIÊN KHI NHẬN ĐƯỢC BỊCH NẤM SÒ
Vận chuyển bịch nhẹ tay, tránh làm tổn thương bịch.
Khi mang bịch về nhà, nếu bịch phôi nấm chưa lan kín đáy thì chưa treo ngay, cần xếp bịch cách nhau 2-5cm, nơi thoáng mát, sạch sẽ ở trong nhà, không chồng chất bịch lên nhau trong thời gian quá lâu. Bịch sẽ bị nóng, ảnh hưởng đến chất lượng.

2.CHỌN NƠI TREO NẤM SÒ
Chọn nơi thoáng mát, sạch sẽ, che chắn không để gió lùa và ánh nắng mặt trời chiếu vào trực tiếp. Nấm cần thông thoáng và có ánh sáng tán xạ (có thể đọc sách được). Nơi treo bịch nên chọn khu vực không có người qua lại, và không thường xuyên có người sống hay làm việc ở đó. Có 2 lý do, một là không tốt cho nấm, hai là không tốt cho người, vì khi nấm già phát tán bào tử sẽ dễ gây ngộ độc đường hô hấp sinh bệnh viêm phổi…

3.LÀM DÂY TREO NẤM SÒ
Bên trên cần có chỗ buộc dây treo, chắc chắn. Mỗi dây treo từ 6-8 bịch, sao cho bịch dưới cùng cách mặt đất 10-15 cm, bịch trên cùng cao không quá 160 cm, để thu hái và tưới dễ dàng, đặc biệt bịch trên cùng không bị thiếu ẩm.
Cách treo bịch: Treo dốc miệng bịch xuống, cho nước thừa khi tưới có thể chảy ra. Lồng 6-8 vòng quang vào dây treo và tạm kéo lên cao, cho bịch thứ nhất vào dây quang, kéo một vòng quang xuống sẽ giữ được bịch thứ nhất. Các bịch tiếp theo làm tương tự.
Nếu có nhiều dây treo, thì sau khi treo xong, khoảng cách giữa hai dây treo phải tạo khoảng trống từ 12-15 cm. Khoảng trống này nhỏ hơn, sẽ khó hái nấm, dễ va chạm làm gẫy nấm bên cạnh. Khoảng trống rộng quá, sẽ làm môi trường nhanh khô, thiếu độ ẩm.

4.RẠCH BỊCH NẤM SÒ
Khi nhận được bịch mà tơ chưa lan kín đáy bịch, ta sẽ chờ đến khi bịch trắng hết đáy, rồi 2-3 ngày sau mới rạch. Thời gian chờ sẽ không lâu, tùy vào nhu cầu nhận bịch ở độ tuổi nào.
Khi nhận được bịch có tơ đã lan kín, thì ta cũng phải chờ ít nhất 48 h sau khi rửa và treo bịch, rồi mới rạch bịch. Nấm cần có thời gian phục hồi sau những tổn thương do vận chuyển hoặc rửa và treo bịch.
Rạch bịch: Rạch 4 – 5 đường chéo/xiên xung quanh, so le, và đều nhau. Vết rạch dài 1-2 cm, sâu 4-5 mm. Các vết rạch nên có khoảng cách đều nhau và cố gắng chọn ở chỗ có tơ nấm trắng khỏe đẹp nhất. Các vết rạch không nên ở sát đáy hoặc sát miệng bịch.
Chú ý: Nên dùng dao rạch giấy văn phòng là tốt nhất, nhúng nước sôi hoặc hơ qua ngọn lửa gas, rạch đủ rách lớp nilon, tuy nhiên không tránh được việc tạo sẹo vết rạch lên cơ chất. Nếu rạch sâu và rộng quá, bịch dễ bị nhiễm và thối vết rạch. Khi vết rạch bị nhiễm, dùng dao rạch khoét cơ chất bẩn đi, làm nhẹ tay không để sợi tơ tổn thương.

5.TƯỚI NƯỚC CHO NẤM SÒ
Sau khi rạch không được tưới nước trực tiếp lên các bịch, chỉ tưới nước xuống nền nhà hoặc phun nước xung quanh vách để hạ nhiệt độ và giữ ẩm cho không khí. Sau 24h trở đi, ngày tưới 2 – 3 lần phun sương trên các dây treo, đủ ướt các bịch sao cho khu vực treo đạt ẩm 85-90%. Đặc biệt, nên tưới vào lúc 21h – 22h hằng ngày, để hạ hiệt độ, kích thích tơ nấm nhanh kết nụ.
Nếu chăm sóc tốt, sau khi rạch 7-10 ngày, sẽ bắt đầu xuất hiện mầm quả thể tại các vết rạch. Dùng bình phun tưới hoa, phun sương như mưa phùn từ trên cao xuống, sao cho các nụ nấm đều có một lớp nước như sương bám vào. Không tưới mạnh hay xịt thẳng vào quả thể sẽ dễ làm tai nấm bị dập, nhũn và chết. Tùy vào nhiệt độ, độ ẩm mà tưới từ 3 – 5 lần/ngày. Nếu nền đất thì giảm tưới đi, nếu nền gạch xi măng thì tưới cho nền nhà luôn được ẩm.

6.THU HÁI NẤM SÒ ĐÚNG CÁCH
Nên hái nấm khi quả thể có đặc điểm: Rìa mũ nấm vẫn còn co vào, thịt nấm dày, chắc, mập. Thường thì đường kính tai nấm 4 cm là hái được. Nếu hái non thì quả thể chưa tổng hợp đầy đủ dinh dưỡng, hái già thì ăn không ngon.
Cách hái nấm: Trong một cụm nấm có thể có cây to cây nhỏ, có nhiều cây to thì ta hái hết cả cụm, không hái tỉa từng cây. Một tay giữ bịch, tay kia túm sát gốc nấm, bẩy nhẹ nhàng theo hướng nào đó dễ nhất mà không làm bịch bị mất nhiều cơ chất. Nếu vết hái còn chân nấm bị sót lại, cần nhặt sạch đi. Vết hái bị vỡ to, hoặc còn thừa chân nấm sẽ bị thối, côn trùng sẽ đến gây nhiễm trùng bịch.
Khi hái nấm mà chưa ăn ngay, muốn để nấm được lâu, thì nên hái trước khi tưới nước, hoặc hái nấm sau khi tưới nước ít nhất 5 tiếng.
Sau khi hái nấm, không nên tưới nước ngay vào thẳng bịch. Nếu các chùm nấm khác bị khô, thì tưới phun sương lượng rất ít, và tưới xung quanh cùng với nền nhà tạo ẩm. Nếu nấm còn lại không khô, thì đợi vài tiếng sau hãy tưới. Điều này rất quan trọng, bởi tưới nước vào vết vừa hái, sợi tơ nấm chưa kịp phục hồi, dễ chết thối và gây nhiễm.

7.VỆ SINH VÀ CHĂM SÓC CHO NẤM SÒ
Nếu các vết rạch, vết hái nấm bị nhiễm mốc xanh, đen hay thối, ta cậy nhẹ nhàng phần thối bẩn đó đi, không mạnh tay dễ làm trầy xước tơ nấm gần đó.
Khi thời tiết thay đổi hoặc bị gió lùa, nấm sẽ ngừng sinh trưởng, nấm nhỏ có thể sẽ chết khô, bịch sẽ tạm thời không ra quả thể nữa. Lúc này ta hái nấm chết đi, như cách thu hái vậy.
Nếu vết rạch, vết hái có mô sẹo trắng rắn cứng, không ra nấm, ta cũng có thể bóc nó đi để chờ nấm kết nụ tiếp.

CHÚ Ý CUỐI CÙNG
Khi hết đợt ra quả thể, nếu không còn nấm, ta ngừng tưới trực tiếp vào bịch, nhưng vẫn tưới nền và xung quanh để tạo ẩm. Sau 3 ngày, vào khoảng 21-22h hàng ngày, ta bắt đầu có thể tưới phun sương, từ trên xuống vào các bịch, để tạo ẩm và giảm nhiệt độ, kích thích nấm kết nụ tiếp.
Điều kiện nấm ra quả thể là: Nhiệt độ 20 – 30 0C, độ ẩm không khí 80-95 %. Nếu nhiệt độ cao quá, cần có cách làm giảm nhiệt, trong đó có che ánh nắng, tạo thông thoáng, và tưới ẩm.

Các bạn xem hình ảnh để tham khảo cách treo bịch ở trên !

Trên đây là hướng dẫn chăm sóc nấm cho khách hàng đang sử dụng bịch nấm của HỢP TÁC XÃ HỢP GIANG. Trong quá trình chăm sóc, gặp phải khúc mắc gì, khách hàng vui lòng liên hệ sớm để được hướng dẫn kịp thời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *